Tại đây Đoàn đã được nghe UBND xã báo cáo tình hình sản xuất của bà con. 2 tháng đầu năm 2013, nhân dân trên địa bàn xã ổn định, nhất là thời điểm gần đây thu nhập từ mô hình nuôi tôm truyền thống của bà con đạt khá từ 2 – 3 triệu đồng/ha/nước xổ. Thêm vào đó, nhân dân sản xuất loại hình tôm - cua kết hợp, ngoài thu nhập từ con tôm sản lượng cua khá cao góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân vùng ven rừng, ven biển.

Sau buổi trao đổi, Đoàn có chuyến đi khảo sát thực tế tại một số mô hình sản xuất trên địa bàn xã, trong đó có hộ ông Lê Minh Tâm (là nông dân sản xuất giỏi, đạt giải Ba sáng chế, phát minh cấp tỉnh về máy hút bùn trong cải tạo ao đầm nuôi trồng thủy sản) thuộc ấp Hiệp Dư, xã Nguyễn Huân. Trao đổi với Đoàn, ông Lê Minh Tâm cho biết: Dự kiến trong thời gian tới khi được cơ quan chức năng công nhận bản quyền phát minh “máy hút bùn” ông sẻ mở xưởng sản xuất đáp ứng rộng rãi nhu cầu của người dân.


Ông Lê Minh Tâm chia sẽ kinh nghiệm

Trao đổi với ông Lê Minh Tâm, ông Nguyễn Chí Thuần – Phó chủ tịch UBND huyện khuyến khích tinh thần tìm tòi, học hỏi tự vươn lên của ông Tâm và tin tưởng rằng trong thời gian tới ông sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn về sáng chế, phát minh của mình đưa vào áp dụng phổ biến trên địa bàn huyện, nhằm góp phần cải tạo có hiệu quả ao, đầm trong nuôi trồng thủy sản cũng như việc bồi trúc vườn, líp sản xuất rau màu, cây ăn trái.

Ngoài ra, ông Lê Minh Tâm còn nghiên cứu áp dụng mô hình lọc nước trong nuôi tôm nhằm khử độc, hạn chế tình trạng nước đục do phù sa, do trời mưa, do mức nước cạn để nâng cao năng suất tôm nuôi trên cùng diện tích. Mô hình của ông Tâm rất dễ thực hiện, bằng cách thiết kế một mương dọc theo vuông nuôi tôm với chiều rộng 3 – 4m, chiều dài từ 200m trở lên, chiều sâu 0,8 – 1m; (tùy theo diện tích vuông nuôi mà thiết kế diện tích mương lọc phù hợp) dưới đáy mương và vách mương được trồng cỏ nước mặn; khi vận hành bơm nước vào đầu mương và xả nước cuối mương, nước sẽ được khử độc xử lý tình trạng ô nhiểm môi trường và trong nước sau khi trả lại vuông nuôi.

Kỹ sư Nguyễn Thanh Quyền – Trạm Khuyến nông – khuyến ngư huyện cho biết, với mô hình lọc nước của ông Tâm có thể áp dụng rộng rãi, nhất là đối với vùng gần cửa biển, sông lớn có lượng phù sa nhiều, vào thời điểm trời mưa; đồng thời, với cỏ nước mặn chất độc sẽ được khử một phần, từ đó sẽ làm hạn chế tình trạng nhiễm bệnh trên tôm nuôi do môi trường gây ra./.

Tin và ảnh Nhật Trường

Nhận xét

Bài liên quan